Category Archives: Ăn khoai lang nói chuyện quốc tế

ĐI ĐÂU CŨNG GẶP… QUỐC HUY VIỆT NAM SAI CHUẨN

Mai Thanh Hải Blog – Câu chuyện Quốc phục, Quốc ca… đã từng gây ra những cuộc bàn cãi, tranh luận đến đau đầu trên báo chí. Hôm nay, chuyện “Quốc huy sai” lại khiến nhiều người giật mình và không thể không lo lắng cho cái gọi là Quốc thể – Quốc gia hiện tại.
Bài viết đăng trên VTC News và chỉ đích danh: Lúa nếp Việt Nam trên Quốc huy biến thành… lúa mì. Liệu sau vụ việc này, các Quốc huy sai có được chỉnh sửa, giống như các văn bằng của Đại học Huế cũng bị sai cơ bản, với những lỗi rất ngớ ngẩn và khi báo chí lên tiếng, người ta đành bỏ ra đống tiền để sửa sai.
——————————————-
SAI TRÊN QUỐC HUY: LÚA NẾP THÀNH LÚA MÌ
(27/06/2011 06:41)
Minh chứng về Quốc huy đúng – sai
(VTC News)– Những lỗi sai trên Quốc huy có thể xuất hiện trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân huy chương, các chứng chỉ, bằng khen, trên báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương…

Bà Đặng Thị Bích Ngân, PGĐ Nhà Xuất bản Mỹ thuật, kiêm TBT Tạp chí Mỹ thuật lắc đầu ngán ngẩm khi nói về những lỗi sai thường gặp trên Quốc huy – biểu tượng của Quốc gia, dân tộc Việt Nam.

“Không thể tin được khi hình Quốc huy trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân huy chương, các chứng chỉ, bằng khen, trên báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương… từ trước đến nay thường không giống nhau. Mỗi hình Quốc huy mỗi vẻ, không đồng nhất theo một mẫu”.

Là một người tâm huyết với nền mỹ thuật nước nhà, ĐBQH Khóa XI, họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã không ít lần lên tiếng về câu chuyện của tấm hình Quốc huy.

Sai trên Quốc huy: Lúa nếp thành lúa mì.

Cạnh mẫu quốc huy bản chuẩn (ở giữa, hàng trên) là hàng loạt các mẫu Quốc huy sai nhưng vẫn được sử dụng trên Huân chương, văn bằng cấp Bộ, tờ báo Trung ương, các cơ quan Bộ, cơ quan tỉnh… đã khiến nhiều chuyên gia đau xót

Ông chia sẻ: Không thể tưởng tượng được trong khi ở hơn một vạn xã, gần 1.000 huyện và hàng ngàn đơn vị hành chính, cơ quan, công sở… trong cả nước có nhu cầu sử dụng biểu tượng Quốc huy thì đến nay, mẫu biểu tượng vốn được coi là rất đỗi thiêng liêng này vẫn đang tồn tại muôn hình vạn trạng.

Họa sĩ Trần Khánh Chương tặc lưỡi khi nói ngay cả đến các cuốn sách luật có in mẫu Quốc huy cũng bị làm sai, thậm chí đó đều là những nhà xuất bản có uy tín.

Ông cũng lấy ngay ví dụ trên Quốc huy ở bìa cuốn Kỷ yếu kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa XI không phải là những bông lúa (nước) với màu vàng quen thuộc, hạt thuôn nhỏ mà lại là lúa mì (trắng); hình bánh xe cũng chỉ có 6 răng cưa thay vì đủ 10 răng cưa như thường thấy.

Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm in mẫu Quốc huy bị bóp chiều ngang, kéo dài về chiều dọc. Trong khi cuốn “Pháp lệnh ưu đãi người có công” lại in mẫu Quốc huy “phình” về chiều ngang…

Thậm chí, ông Chương còn cho biết mẫu Quốc huy ở một số Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng bị sai. Trong một lần tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, ông phải giật mình khi phát hiện trên hình Quốc huy Việt Nam không phải là hình bông lúa nếp mà lại thay vào đó là hình bông lúa mì. Bên cạnh đó, kích thước của dải lụa, ngôi sao cũng không cân đối, không có tính thẩm mỹ.

Ông Chương cũng cho rằng, lỗi sai trên Quốc huy khá phổ biến và có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, thậm chí như Quốc huy ở Phủ Chủ tịch hay Quốc huy treo tại Hội trường Ba Đình cũ cũng là những mẫu Quốc huy chưa chuẩn.

Không cần đến con mắt của các nghệ sĩ, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể phát hiện lỗi sai trên Quốc huy với những lỗi cơ bản như: hình bánh xe lúc có 6, khi lại 7 răng cưa thay vì 10 răng theo đúng chuẩn, dải lụa thiết kế không đều chỗ to chỗ nhỏ, chỗ lồi chỗ lõm….

Quốc huy không thể tùy tiện.

Bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó GĐ Nhà Xuất bản Mỹ thuật cho rằng: “Quốc huy là biểu tượng của 1 Quốc gia, nên việc thiết kế mẫu Quốc huy không thể tùy tiện, qua loa mà phải đảm bảo sự chính xác trong bố cục và tỉ lệ màu”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết: “Để vẽ được một mẫu hình Quốc huy chuẩn, trước đây, họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng các học trò đã phải tính toán chi tiết đến từng ly, tỷ lệ giữa ngôi sao với các hạt lúa, cọng lúa, dải lụa phải thật chính xác; kể cả số hạt lúa ở mỗi bên cũng đã được tính toán kỹ, gồm 54 hạt tượng trưng cho 54 dân tộc. Bông lúa được dùng để làm mẫu vẽ cũng phải là bông lúa nếp, hạt to tròn…”

Tuy nhiên, hiện nay việc thiết kế mẫu Quốc huy của các cơ quan thường được giao cho các Cty thiết kế không có chuyên môn. Họ có thể thiết kế “tùy hứng” dẫn tới mẫu Quốc huy, khi được in ra thì chỉ nhang nhác giống mẫu Quốc huy chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế cũng không có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận với mẫu Quốc huy chuẩn, nên dẫn tới những sai sót không đáng có như trên.

Ông Chương cho rằng, ngay cả khi đã có một mẫu vẽ Quốc huy chuẩn, nhưng khi đem đắp nổi cũng rất dễ xảy ra sai sót, do việc đắp nổi phải thông qua nhiều giai đoạn khác nhau, chỉ cần một công đoạn không chính xác, cũng dẫn tới mẫu Quốc huy cũng không hoàn chỉnh.

Theo ông Chương: “Nhà nước nên giao việc thiết kế và sản xuất mẫu Quốc huy chuẩn cho một Cty với sự tư vấn của các họa sĩ có nghề. Việc thiết kế phải đảm bảo các chi tiết đúng vào các ô, các vị trí theo mẫu trước đây, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ hoàn thiện. Khi đã có bản thiết kế hoàn chỉnh, thì cần phải sản xuất mẫu Quốc huy hàng loạt với những kích cỡ khác nhau, bằng chất liệu đồng, composite.”.

Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí để sản xuất các mẫu Quốc huy chuẩn với các kích thước khác nhau để gửi tới từng cấp xã, huyện của 64 tỉnh thành trên cả nước để cùng thống nhất thực hiện.

Bên cạnh đó, mẫu Quốc huy chuẩn cũng cần được công bố trên báo mạng, trên các trang thông tin của Chính phủ, Nhà nước và đưa vào các Công báo để phổ biến rộng rãi hơn tới quần chúng nhân dân.

nguon : http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2011/06/i-au-cung-gap-quoc-huy-viet-nam-sai.html
Nặc danh nói…
                          Quốc huy mai kia có thể nhầm lẫn khi vẽ 5 ngôi sao vàng thay vì chỉ có 1 – Ôi thôi 🙂
Nặc danh nói…
huhu
Đất nước, rừng, biển còn bán được, quốc huy sai nhằm nhò gì???


CHÚNG TÔI KHÔNG NGÂY THƠ

Ngày hôm nay, suốt hơn bốn tiếng đồng hồ biểu tình và một tuần trước đó, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên răn, nhắc nhở. Có lẽ phải viết cái note này gửi tặng quý vị.

Trước ngày biểu tình, trên nhiều diễn đàn, FB của các cá nhân, FB của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều người khuyên răn không nên biểu tình. Họ cho rằng đó là lời xúi giục của Việt Tân. Dạ xin thưa, ở xứ này, hiếm hoi lắm trên báo chí mới thấy từ “Việt Tân”, còn hai từ “tàu lạ” thì xuất hiện liên tục. Và chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc, chủ nhân của những chiếc “tàu lạ” đó. Nhiều anh chị cũng cho rằng chúng tôi bị bọn xấu lợi dụng, kích động. Cảm ơn anh chị đã lo cho chúng tôi. Chắc anh chị nghĩ chúng tôi dễ bị nhồi sọ quá. Mà anh chị cũng quên rằng ngoài cái đầu, chúng tôi còn có trái tim, còn biết xót xa khi nhân dân mình bị bắn chết ngoài biển Đông. Chúng tôi không thể để trái tim mình nguội lạnh bằng cách ngày ngày cầu nguyện: “tiền, chứng khoán, xe hơi, nhà lầu, túi xách, giày dép”.

Khi chúng tôi xuống đường, mấy chị của hội liên hiệp phụ nữ liên tục khuyên răn. “Chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ!” Dạ thưa các chị, cái Thành Đoàn nằm chành ành bên Phạm Ngọc Thạch, nhà Văn hóa Thanh niên cũng nằm kế đó, cách lãnh sự quán Trung Quốc có vài chục bước chân thôi ạ. Bao nhiêu năm qua, đã có lần nào Thành Đoàn tổ chức cho chúng tôi một cuộc biểu tình chưa? Nếu có chăng là treo cờ sau xe, cùng Đàm Vĩnh Hưng làm từ thiện, uống trà xanh không độ thôi. Kiểu biểu tình ấy, chúng tôi xin nhường cho Thành Đoàn. Chúng tôi làm phận sự một công dân, khi thấy kẻ thù xâm lược, chúng tôi phải lên tiếng. Chúng tôi có nhảy qua Singapore làm thay việc của tướng Vĩnh đâu mà quý vị phải lo. Khuyên răn không được thì các chị chuyển sang điều tra coi ai là kẻ cầm đầu cuộc biểu tình này. Với suy nghĩ các chị, hành vi biểu tình vô vụ lợi, nhiều nguy cơ như chúng tôi hẳn phải có lợi lộc gì đó mới đi, hoặc có kẻ nào xúi giục xúi dại thì mới vác xác ra đường. Hồi nào tới giờ, tôi nghĩ các chị bị tẩy não, ai dè các chị còn bị thay máu nữa.

Trên FB của tôi, có bạn khá giàu có, lấy chồng tây, đi xe hơi, ăn cheese cake, uống rượu vang lên than vãn. Biểu tình đã khiến các bạn ấy không đi spa được, không tập gym được, kẹt xe, biểu tình làm ảnh hưởng đến các bạn. Dù bạn nói đùa hay nói thật, tôi cũng thấy shock. Và tôi hiểu ra, với các bạn, ông chồng ngon, cái xe lành, nhà penthouse và rượu vang chất chồng thì cũng khó để các bạn từ bỏ mà xuống đường biểu tình. Và bởi chưng, các bạn tự thấy mình không liên quan gì đến hành vi xâm lược Trung Quốc, ngư trường đánh bắt của ngư dân. Nếu ngày mai Trung Quốc không ở biển Đông nữa mà tràn vô Sài Gòn, các bạn cũng vẫn ấm thân. Các bạn có thể đi Mỹ do gia đình bảo lãnh, đi Châu Âu theo chồng con và tiếp tục cuộc đời cheese cake, rượu vang, gym, massage, spa, chồng tây. Các bạn quên rằng các bạn vẫn ăn cá, ăn nước mắm. Con các bạn ăn cơm ở Việt Nam. Ai trồng lúa, ai bắt cá, ai làm nước mắm cho bạn và con bạn ăn vậy?

Người được “khinh bỉ” nhất trước khi biểu tình có lẽ là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp. Với công văn cấm sinh viên đi biểu tình, nổi nhục này của ông Hiệu trưởng không biết bao giờ mới rửa nổi. Nhưng không sao, ông không lẻ loi. Ở cuộc biểu tình hôm nay, cùng đứng bên ông còn có giảng viên trường ĐH KHXH và NV, cùng vị tướng Hải quân nữa. Những người đáng tuổi cha chú của chúng tôi đứng đó, lặp lại những điều bà Phương Nga đã nói (có khi bà Phương Nga cũng lặp lại của ai đó, tôi đoán vậy). Thưa các thầy, chúng tôi nghe đủ rồi. Các thầy cứ nói, cứ thuyết, rồi được gì? Các thầy sẽ lên chức ư? Hay được khen đã có công giải tán biểu tình? Các thầy ạ, các thầy già rồi, thế cũng đủ cho một đời danh vọng rồi. Tôi không biết ngày đầu tiên cắp sách đi dạy, các thầy đã hứa với lòng mình điều gì? Đào tạo một thế hệ tài đức hay đào tạo một thế hệ hèn nhát? Thầy muốn chúng tôi học Đại học xong, ôm đống kiến thức cũ mèm đó đi làm mướn và cắm cúi làm mướn trọn đời, đừng ngước mặt lên, đừng nhìn xung quanh mình làm gì. Nếu Trung Quốc đến cảng Sài Gòn, chắc thầy vẫn còn ra rả khuyên chúng tôi về đi, họ mới ở cảng Sài Gòn, đã vào Dinh Độc Lập đâu mà sợ. Giờ thì tôi sợ thầy rồi đó!

Sáng nay khi chúng tôi xuống đường, những người từng tham gia biểu tình năm 2007 hoặc bị mời đi uống trà, hoặc bị canh gác. Họ còn phá sóng điện thoại tại khu vực biểu tình. Tôi nghĩ họ sai rồi. Tình yêu nước không truyền qua đường truyền internet hay điện thoại di động. Nó ăn trong máu chúng tôi rồi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Trần Tiến Dũng, nhà thơ Bùi Chát có bị đuổi ra khỏi Sài Gòn, chúng tôi vẫn xuống đường. Chúng tôi xuống đường vì ông nội tôi từng là cảm tử quân, giờ chỉ có mộ gió. Chúng tôi xuống đường vì xung quanh chúng tôi, ai cũng có cha, chú, ông, bà đổ xương máu cho đất nước này. Chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi ngang ngược của chính phủ Trung Quốc. Cách hành xử hàm hồ của họ có thể thành công ở Trung Quốc nhưng nó chắc chắn bị phản đối ở Việt Nam. Tôi thật nể phục một anh trung niên người miền Trung khi anh ta đặt câu hỏi cho những anh công an: “Nếu chiến tranh xảy ra, ai sẽ là người cầm súng đánh kẻ thù? Chúng tôi hay các anh? Để bảo vệ ai? Bảo vệ con tôi, và con của các anh nữa!”.

Cuộc biểu tình sáng nay tan từ trưa cũng nhờ vào phần lớn công lao chia rẽ nội bộ của mấy anh chị Thành Đoàn. Có thể nói dù không lãnh đạo thanh niên đi biểu tình nhưng Thành Đoàn rất xuất sắc trong việc dẫn dắt anh em ra về. Viết đến đây, tôi thấy rùng mình khi nghĩ về một cái vòng lẩn quẩn. Một sinh viên sau khi ra trường, hoặc làm cho Thành Đoàn rồi leo lên chức Bí thư Đoàn và mang theo đống tư duy ấy. Già rồi thì chắc lại ra thuyết phục thanh niên như bác tướng Hải Quân kia. Hoặc là tốt nghiệp xong rồi được giữ lại trường, lại thành ông giảng viên trường Nhân văn hoặc ông Hiệu trưởng trường Công nghiệp.

Ối giời, thế thì tôi còn mong chờ gì ở quý vị nữa!

 

dongngan’s Site

 


Nghiêm túc

Có một thời, các bạn trẻ đã nghiêm túc, đã quá nghiêm túc, Học, không (hoặc rất ít) chơi đùa, giả trí, du lịch. Những cuộc chia ly, những gương mặt trẻ đi vào cõi chết vẫn vui nhưng nghiêm túc, cao cả làm sao. Thanh niên ngồi đâu cũng nói chuyện đại sự của quốc gia, miền Bắc thì tính chuyện đi B. miền Nam thì chuyện “lên Rờ”. Đương nhiên, vì chẳng ai, dù ở phía nào, có thể bàng quan với vận mệnh đất nước, cũng chính là vận mệnh của bản thân mình.

Hình như bạn đang hối vì cha anh đã quá nghiêm túc. Bố mẹ bạn cũng thường nói: mình không may đã khổ nhiều, nay phải ưu tiên cho chúng nó. Có rất nhiều phương tiện để làm bạn vui, thực ra đang hủy diệt tâm hồn bạn vì chúng bị lạm dụng cho lợi nhuận của nhiều phía. Bạn có nhìn thấy những kẻ thu tiền đâu. Họ vô hình mà. Tôi thấy bạn suốt ngày dán mắt xem đủ các trò trên truyền hình, bạn đâu biết có khi bạn ngây ngô nhìn các trò chơi, hay xem tranh chuyện, bạn đang tham gia kỹ nghệ quảng cáo kinh hòang, nhiều người giàu lên nhờ bạn. Có những trò chơi dính chút kiến thức thì lõm bõm, gì cũng biết nhưng không biết gì cả, nhớ rồi quên, đậu rồi bay, gọi là kiến thức vịt giời. Tôi không nói chúng là vô bổ. Nhưng chúng bị lạm dụng quá nhiều, bạn thì quá ham chơi. Thường cái gì nhiều quá, dù là sâm nhung, sơn hào hải vị bị lạm dụng và lợi dụng thì cũng dẫn tới sự hủy diệt.

Rồi bạn cũng đến trường. Ở trường, kể cả sau khi vào đại học, bạn vẫn tiếp tục chơi. Học với bạn là thứ yếu, chơi là chủ yếu. Nào “dế yêu”, nào sinh nhật, nào pích ních. Bạn sống thử nhiều năm, chuyện vợ chồng, gia đình với bạn cũng  thành chuyện như đùa. Kiến thức hời hợt, bạn cũng chẳng còn niềm say mê tích lũy kiến thức như cha anh. Bác Tạ Quang Bửu được học bổng du học bên Anh đã tranh thủ học nhiều ngành, nhiều trường đại học, chạy marathon với kiến thức, lúc về nước không có bằng gì hết nhưng đã trở thành một trong những bộ óc thông thái nhất của thời bác ấy, đóng góp được nhiều công trạng cho dân tộc. Có vẻ như bạn thì lại thích tấm bằng hơn kiến thức.

Ra trường, mới trên hai mươi, bạn vẫn chưa nghiêm túc tuy trông bạn đã có vẻ mệt mỏi vì chơi ( và yêu đương nữa) trong thời đại học. Trong đầu bạn chưa có gì. Nghĩa là nếu tôi hỏi bạn mục tiêu cuộc đời của bạn là gì, bạn không trả lời được. Tôi từng hỏi một cô bé người Mỹ, học lớp 11, khi cô tham gia đoàn “phẫu thuật nụ cười”, cô bé trả lời nghiêm chỉnh: “ Cháu muốn sau này làm tổng thống Mỹ”. Vậy đó. Bạn thì bàng quan, bạn không biết “bô-xít Tây Nguyên” là gì, có bao nhiêu ngư dân Lý Sơn đang bị Trung Quốc bắt giữ nhưng lại rất rành Thủy Tốp lộ hàng khủng mấy lần và nhỏ lệ sướt mướt khi xem TV về đám tang của MJ. Tôi biết bạn chỉ còn một niềm say mê, chỉ quan tâm đến một việc: làm giàu. Tất nhiên cho bản thân bạn. Bạn còn khuyên tôi: chú quan tâm đến những thứ đó làm gì cho chóng già, dù tôi đã quá già.

Nói thế nhưng tôi không trách bạn, không trách một chút nào hết. Vì lỗi không phải của bạn.

 

Nguyễn Quang Thân


Dân Tàu biết gì – nghĩ gì về ta ?!

Những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông gần đây đã gây lo ngại cho dư luận châu Á và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam đang sinh sống làm ăn trong lãnh hải Việt Nam, như ngăn cản tàu cá Việt Nam đánh bắt cá hợp pháp trong lãnh hải Việt Nam, nhiều lần gây sự với tàu thăm dò của công ty dầu khí nước ngoài (BP) và tàu thăm dò của Việt Nam (26/5 và 9/6/2011), bắt cóc và tống tiền ngư dân Việt Nam, xua đuổi ngư dân tránh bão và bắn giết vô cớ ngư dân trên biển, đỉnh điểm là thành lập khu vực hành chính bao trùm trên những đảo bị tranh chấp quốc tế tại Hoàng Sa (thành phố Tam Sa – 2007) thậm chí gần đây triển khai những kế hoạch quân sự và hành vi leo thang quân sự gây căng thẳng tại Biển Đông. Đó là hành vi bề ngoài.

Nhưng cuộc chiến tranh về thông tin và tư tưởng của Trung Quốc dấy lên trong hơn 1 tỷ người Hoa trong và ngoài biên giới Đại Lục mới thực sự nguy hiểm cho Việt Nam. Trung Quốc luôn cung cấp những thông tin bóp méo và vô căn cứ cho dân chúng (có thể đọc được trên mọi báo chí và diễn đàn TQ hàng ngày) để chuẩn bị cho dân chúng lòng căm thù lũ “khỉ Việt Nam” cao độ, làm mọi người TQ tin rằng “đường lưỡi bò – đường chữ U đứt khúc 9 đoạn” là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc đã bị Việt Nam bành trướng, chiếm đóng lâu năm, mọi bài báo điện tử của Trung Quốc đều nói rõ, Việt Nam đã khai thác trái phép hàng triệu tấn dầu và thu lời hàng tỷ USD trên lãnh hải Trung Quốc, nên TQ không thể nhẫn nhịn thêm được nữa. Về vụ BM2, trong số gần 1.000 lời bình luận trên mạng Trung Quốc mà tôi đọc được, có 999 lời căm thù VN cao độ và đòi sử dụng vũ lực giành lại công bằng cho TQ, đòi ra trận giết người VN, chỉ có đúng 1 review duy nhất (của 1 người TQ duy nhất) nói, địa điểm xảy ra xung đột hình như có vẻ hơi sát Việt Nam thì phải.

Cuộc chiến Biên giới 2/1979 cũng từng được TQ chuẩn bị tư tưởng và thông tin chu đáo, như đó là cuộc chiến TQ bảo vệ lãnh thổ TQ bị VN gây hấn xâm hại trước. Đó là cuộc chiến mà VN vô ơn bội nghĩa, dùng chính vũ khí được TQ tài trợ và kỹ thuật quân sự do TQ huấn luyện để đánh trả lại TQ, gây bao tang tóc cho những gia đình chiến sĩ vô tội của TQ (có thể đọc trong cuốn “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn do Công ty sách Phương Nam dịch và bán tại VN). Nguy hại hơn là qua truyền thông, sự căm thù của người Trung Quốc thế hệ đó đã kéo dài sang thế hệ mới, cư dân mạng TQ hiện nay.

Cuộc chiến thông tin này được TQ dấy lên một cách có chủ ý, để nhiều thế hệ người TQ giữ vững và nêu cao chủ nghĩa dân tộc bành trướng vốn có lịch sử lâu đời của TQ, bảo vệ và bào chữa cho mọi hành vi (nếu có và đã có) của chính phủ TQ khi muốn thôn tính quyền lợi của VN. Qua đài báo và mạng tiếng Hoa, Việt Nam là một nước bành trướng, hiếu chiến, tham lam tàn ác, xấu thói lươn lẹo, vô ơn với Trung Quốc.

Cuộc chiến thông tin mới thực sự là một cuộc chiến khốc liệt, và nó là cốt lõi, tinh thần cho cuộc chiến quân sự đang nhăm nhe xảy ra. Theo phán đoán cá nhân thì cuộc chiến quân sự leo thang để chờ xung đột quân sự xảy ra trên biển sẽ tấn công một số đảo Trường Sa bằng vũ lực, chứ không phải là nhằm tiến tới cuộc chiến trên lãnh thổ đất liền.

Sự thật có thế không? Tôi không rõ trong lịch sử VN đã thực sự chịu ơn TQ những gì, nhưng tôi tin người VN và hành xử của VN không phải là kiểu vô ơn bội nghĩa.

Tôi tin vào lương tri của hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn còn. Chỉ là họ chưa biết sự thực của lịch sử, chưa biết đến lý lẽ của Việt Nam, và họ chưa được đọc thông tin chính xác trong lĩnh vực địa lý chính trị châu Á của ngày hôm nay. Tôi tin rằng hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ nghi ngờ tính chính nghĩa của hải giám Trung Quốc đã làm ngày 26/5/2011, nếu họ được đọc những bản tin thời sự không bị TQ che giấu những thông tin về kinh độ – vĩ độ – địa điểm chính xác của vụ đụng độ Trung Việt này.

Chúng ta đang lên án cho… chính chúng ta nghe mà thôi, chúng ta phẫn nộ cho… chính chúng ta hả dạ mà thôi. Một khi chẳng ai hiểu người Việt Nam đang nói gì, đang có chứng cứ lịch sử gì, đang giải quyết tranh chấp bằng tinh thần gì.

Thậm chí, người TQ không hề biết kinh độ vĩ độ của địa điểm xung đột vụ BM2 liệu có nằm trong vùng đang bị tranh chấp hay không. Trừ vài giáo sư nghiên cứu nắm rõ. TQ không chỉ đánh tráo khái niệm “vùng biển tranh chấp – lãnh hải TQ” với VN, họ còn bịt mắt người dân của chính họ về điều đó.

Kêu gọi được sự ủng hộ Việt Nam ngay từ chính trong người TQ mới khó, còn khó hơn việc lôi TQ ra tòa án quốc tế. Và việc này, chỉ nhà văn hoặc nghệ sĩ, âm nhạc, phim ảnh, những thứ đánh vào tình cảm con người, mang giá trị nhân văn và thân thiện mới làm được.

 

Một vài tin mới:

http://www.youtube.com/watch?v=2aEQ73gL1ZI

13/6: Truyền hình vệ tinh Vân Nam (mà truyền hình cáp Hà Nội đang tiếp sóng) đưa tin về biểu tình chống Tàu tại Việt Nam.

http://www.youtube.com/watch?v=Ixe5kTqZMLo

http://www.youtube.com/watch?v=ltgKdqzZaWw

Truyền hình vệ tinh Vân Nam hội luận về các nước nhỏ trong đó có Việt Nam thi nhau khai thác trái phép dầu khí và chiếm đảo của TQ.

 

Nguồn : blog Trang Hạ


Trung Quốc có thể dùng bao nhiêu lính đánh Việt Nam?

TRUNG QUỐC CÓ THỂ DÙNG BAO NHIÊU LÍNH ĐÁNH VIỆT NAM?

Khi mối nguy về một cuộc đụng độ quân sự Việt – Trung ngày một hiện hữu, tỷ lệ thuận với sự hung hăng và dã tâm bành trướng Trung Hoa, đã đến lúc chúng ta ngồi đánh giá một cách khách quan, xem thực sự Trung Quốc có thể dùng bao nhiêu triệu lính tấn công Việt Nam, và xác suất thành công của 2 phía ở mức nào.

Dân số Trung Quốc rất đông

Theo số liệu thống kê gần nhất, dân số Trung Quốc hiện có 1,33 tỷ người. Cơ cấu dân số đang già hóa với tốc độ ngày một cao. Số người trên 60 tuổi hiện chiếm xấp xỉ 17% dân số và ngày một tăng nhanh theo thời gian. Suất sinh do chính sách dân số ngặt nghèo suốt 3 thập niên, luôn dưới 1, và đang có xu hướng giảm. Số người dưới 17 tuổi của Trung Quốc cũng chỉ chiếm trên 16%. Dân số phân bố không đồng đều, khá thưa thớt ở lãnh thổ Tây Tạng (cũ) mà Trung Quốc xâm lược trái phép năm 1958 và vùng Nội mông cướp đọat của người Mông Cổ. Ngược lại, tập trung đông cao độ tại các trung tâm kinh tế ven biển và phía Nam.

Đứng về mặt số học mà nói, nếu tổng động viên, Trung Quốc có thể huy động không dưới 20 triệu lính. Hiện tại quân đội Trung Quốc cũng đang có số lượng đứng đầu thế giới với hơn 2 triệu lính thường trực.

Đối mặt với họ, Việt Nam có một đội quân thường trực hơn 400.000 người, cộng với một lực lượng dự bị có thể tái tổ chức trong thời gian ngắn khoảng 3 triệu người.

Một cuộc chiến tổng lực nổ ra giữa 2 bên, Việt Nam có trụ được trước biển người của Trung Quốc?.

Dân số Trung Quốc đang có xu hướng già đi

Nhìn vào lịch sử mà nói, trong các cuộc chiến tranh giữa 2 bên, lần nào ưu thế số lượng cũng nghiêng lệch tuyệt đối về Trung Quốc. Theo sử liệu ghi nhận, thời Trần, Trung Quốc huy động 60 vạn quân xâm lược Việt Nam, đối địch lại, Hưng Đạo Vương có trong tay 20 vạn quân; Thời Minh, Trung Quốc mang sang 30 vạn quân (gồm cả các đạo quân tiếp viện đến sau), Lê Lợi vào lúc mạnh nhất có trong tay không quá 5 vạn lính; Thời nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị xua 20 vạn quân tiến chiếm Thăng Long, Nguyễn Huê mang 10 vạn tân binh mới tuyển ở Phú Xuân ra cự địch…

Nếu nhìn xa hơn nữa vào các cuộc chiến thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, tương ứng với nhà Hán, Đường, Tống, Minh của Trung Quốc, tương quan quân sự trong các cuộc chiến cũng hoàn toàn giống thế. Tuy nhiên, phần thắng cuối cùng luôn thuộc về Việt Nam.

Gần như tuyệt đại bộ phận chiến cuộc, Việt Nam luôn dựa vào cuộc chiến nhân dân, dàn trải trường kỳ, phối hợp cường công chính diện khi thời cơ đến để giành phần thắng. Ngoại trừ duy nhất vị tướng tài ba lỗi lạc Quang Trung, khi tiến công thần tốc vỗ mặt, đánh tan đạo quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị trong thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia quân sự sau này nghiên cứu đều thấy sự giống nhau đáng ngạc nhiên về triết lý điều binh giữa Nguyễn Huệ và Napoleon, với lối tiến công quyết liệt, biết sử dụng hỏa lực một cách cực kỳ hợp lý và tài điều phối quân chuẩn xác trong các diễn biến chiến tranh.

Các lực lượng ô hợp của Trung Quốc tấn công Việt Nam, 2/1979

Trở lại câu chuyện thực tại, sau 30 năm hòa bình, dân số Việt Nam tăng rất nhanh, gần như phủ kín mọi m2 lãnh thổ. Người Việt Nam cũng đã hòan thành chỉ tiêu… phá rừng trước thời hạn dự kiến 30 năm. Mật độ các thành phố mới tăng rất nhanh, đặc biệt là vùng Bắc Bộ (dự kiến sẽ là chiến trường chính một khi chiến tranh Việt – Trung nổ ra). Có thể nói, trong thời hiện đại ngày nay, với lãnh thổ đã được văn minh hóa nhiều của Việt Nam, không còn ưu thế để ẩn núp ngụy trang như thời chiến tranh với người Mỹ và người Pháp.

Năng lực vũ khí và khí tài quy ước giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay có chênh lệch, nhưng không có khoảng cách về thế hệ. Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, nhưng không thể sử dụng (lý do, anh Lãng đã phân tích ở một bài viết trước, không thèm gõ lại vào đây cho mỏi tay).

Đối chiếu kinh nghiệm chiến cuộc thời 1979, Việt Nam sử dụng 20 vạn lính “ô hợp”, chủ yếu là dân quân, du kích, tự vệ và một số đơn vị chính quy, đã chặn đứng và đánh quỵ đạo quân xâm lược 60 vạn của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến chớp nhoáng Việt -Trung lần 1. Đây là một thành tích đáng nể, nhưng lúc đó Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cả dân lẫn lính thiện chiến, khi kinh qua 30 năm chiến tranh ác liệt, còn Trung Quốc lúc đó chỉ có một đám lính man rợ, có thừa mà năng lực tác chiến thì gần bằng không. Hiện nay, sau một thời gian dài, lính tráng 2 bên đều không trải qua thực chiến. Cái gọi là kinh nghiệm chỉ còn là quá khứ, và chúng ta phải căn cứ vào thực tế trước mắt để ước đoán.

Sĩ quan và chiến sĩ thuộc quân đội Trung Quốc

Một cuộc chiến tổng lực xảy ra, Miền Bắc Việt Nam sẽ rơi vào hỗn loạn. Sẽ có một cuộc “đại di tản” về phía Nam, trong lúc các lực lượng chiến đấu lo phòng giữ lãnh thổ. Việt Nam có thể vận dụng cấp thời ít nhất 20 vạn quân, trong lúc Trung Quốc, với năng lực cơ động hiện có, cũng chỉ có thể đưa tối đa 60 vạn quân vào tham chiến bước 1. Mấu chốt thành bại nằm ở chỗ Việt Nam có chặn TQ lại được ở vùng biên giới phía Bắc như năm 1979 hay không, nếu thành công, Trung Quốc sẽ sa lầy và chắc chắn thất bại.

Đây là một điều khá khó ước đoán, trong những năm vừa qua, do giàu có hơn và quản trị tốt, lính Trung Quốc được huấn luyện rất chu đáo, nhất là những thành phần thuộc các đơn vị đặc biệt. Lính Việt Nam được gọi nhập ngũ đều đặn hàng năm, nhưng chắc chắn không huấn luyện tốt như lính Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về tố chất, chính sách “mỗi gia đình chỉ có 1 con” trong suốt 30 năm qua, cũng biến vài thế hệ lính Trung Quốc hiện nay thành loại lính diễu binh: Trông rất béo tốt, múa võ rất đẹp, huấn luyện đi rất đều, hò hét rất to, nhưng đều là loại “con 1”, công tử bột và không có khả năng chiến đấu, động chảy máu là ngất xỉu.

Hô rất to

Ngược lại, lính Việt Nam phải đi bộ đội đa phần thuộc những gia đình nghèo, đông con, độ lì và chịu khó chịu khổ cũng không kém là mấy, những thế hệ cha anh từng tham gia chiến tranh 30 năm trước. Đám lính này khi quăng vào thử lửa đích thực, càng đánh sẽ càng lỳ. Chưa kể tới tố chất người Việt hễ nghe nói đến đánh Tàu là đều sôi máu vằn mắt.

Trung Quốc có hỏa lực vượt trội xét về số tăng, pháo, oanh tạc cơ và tên lửa đất đối đất. Ngược lại, Việt Nam có ưu thế về địa lợi khi chiến đấu chỉ với mục đích phòng thủ và có kinh nghiệm chiến tranh nóng hổi hơn. Trên thực tế, chênh lệch hỏa lực hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn chưa bằng một phần nhỏ chênh lệch hỏa lực giữa Việt Nam và Mỹ trước đây (Mỹ từng giộng xuống Việt Nam ngót 7 triệu tấn bom, ném mãi, sau chán đành bỏ cuộc rút quân về nước).

Khi xảy ra một cuộc chiến tổng lực, Trung Quốc không thể huy động quá một lực lượng 15 triệu lính tiến đánh Việt Nam, trong đó giao chiến trực tiếp không quá 1 triệu do giới hạn chiều dài chiến trường. Trung Quốc rất dễ lâm vào nội loạn một khi số lính huy động cho chiến tranh quá lớn. Trong khi đó, Việt Nam có thể huy động không ít hơn 10 triệu lính tình nguyện khi xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, bởi nhắc đến đánh nhau với Tàu Khựa, mọi bất đồng về ý thức hệ, giai cấp, đẳng cấp giữa người Việt đều gần như được xóa bỏ toàn bộ.

Bộ binh Trung Quốc tấn công Việt Nam, tháng 2/1979

Việt Nam có lợi thế lớn vì chắc chắn sẽ nhận được nguồn viện trợ vũ khí vô điều kiện từ Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Nga ..,. (giống như Trung Quocs đang tuồn vũ khí vào Libi hiện nay cho Kadafi). Bọn này không yêu Việt Nam, nhưng rất thích thú nếu Trung Quocs sa lầy, và người Việt, thì một khi đã phải đánh nhau với Tàu thì không còn lựa chọn nào khác, phải bằng mọi giá kiếm lấy mọi nguồn hỗ trợ.

Miền Bắc Việt Nam gồm Hà Nội nhiều khả năng sẽ bị tàn phá nặng nề, chiến tranh càng kéo dài, tổn tất càng lớn. Chiến lược của Việt Nam ở phía Bắc chỉ có thể thiên về phòng thủ, kéo Trung Quocs vào trận thế sa lầy. Ngược lại, Việt Nam có ưu thế rõ rệt để tấn công ở phía Nam. Đến đây “bọn chã” sẽ thắc mắc: Trung Quốc nào ở phía Nam mà đòi tấn công phía Nam?..

Quân Trung Quốc chiếm Lạng Sơn, 2/1979

Trung Quốc không ở phía Nam, nhưng “miếng ăn miếng uống” của nó đều từ phía Nam mà về. Eo Mallaca là một tử huyệt của Trung Quốc. Chẳng hạn, để thay thế một chiếc tàu dầu tải trọng 100 nghìn tấn chạy qua eo Mallaca, Trung Quốc phải dùng khoảng 30.000 xe téc chở dầu (mỗi xe chở được khoảng 3 tấn), chạy quãng đường gần 1.000 km qua ngả Mianma – Điều này đương nhiên là bất khả thi. Thậm chí kể cả Trung Quốc có xây xong hệ thống ống dẫn dầu qua ngả Mianma và phía Trung Á, cũng không thay thế được đường vận tải qua Mallaca. Vì nguồn dầu chính của thế giới là Trung Đông, chỉ có thể về Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và xuyên qua Mallaca.

Trong điều kiện chiến tranh tổng lực, Việt Nam cần dồn lực lượng Không quân lui sâu về phía Nam và đánh đắm mọi tàu vận tải của Trung Quốc lưu thông qua eo biển. Xác định đâu là tàu Trung Quốc chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật, còn kiếm 1 cái cớ để đánh tàu thương mại trong chiến tranh cũng chẳng khó khăn gì, khi chúng ta liệt dầu vào “1 loại nhiên liệu quốc phòng thiết yếu”. Khi đó Việt Nam sẽ bị Trung Quốc gây thiệt hại nặng phía Bắc, nhưng ngược lại, người Việt có khả năng bóp nghẹt cổ Trung Quốc ở phía Nam.

Lính Trung Quốc vượt sông, tấn công Việt Nam, tháng 2/1979

Trong vòng 6 tháng, cả 2 phía sẽ phải xuống thang đàm phán, kèm theo sự nghi kỵ nặng nề, mà hậu quả lâu dài Trung Quốc cũng rất khó khắc phục vì hoạt động thương mại của nó sẽ không thể bình thường trong ít nhất 20 năm. Thời gian đó đủ dài để Ấn Độ trèo lên đầu Trung Quốc và Mỹ đủ thời gian xác lập lại trật tự mới cho khu vực.

Nói chung nhìn ngược nhìn xuôi, tính kiểu gì anh cũng thấy chiến tranh tổng lực do đó không có thể xảy ra. Mặc dù vậy, anh phát rờn người khi cách đây 2 hôm, ngồi trong quán nhậu máy lạnh mát rượi gặm chân Ba ba, mấy thằng bụng bự ngồi cạnh anh gãi bụng nói văng miệng: “Tàu Khựa sợ đéo gì, nó choảng nhau là các anh đi vác súng ngay!”…

Anh Lãng thế này chẳng lẽ lại thua mấy thằng chúng nó?. Khựa mà vào, anh tham chiến ngay, anh làm công tác tổ chức hậu cần, ngoại giao, lo vận động viện trợ của bạn bè quốc tế… cho các chú yên tâm cầm súng bắn nhau. Việc lớn đã có anh lo, đèo mẹ!..


“Người ta từng hăng hái đề nghị vẽ Hà Nội hình nắm đấm”

Đọc hay quá, mượn lại của TuanVietNamnet ^^

Tác giả: Nguyễn Trọng Huấn
Ngày đăng: 28/10/2009 06:00 GMT+7

“Rà lại lịch sử phát triển ngành quy hoạch từ ngày thành lập, đọc lại danh sách, xem lại chân dung những nhân vật một thời, nhiều trường hợp không thể không cười ra nước mắt. Đã có lúc người ta hăng hái đề nghị nên vẽ “một Hà Nội hình nắm đấm, hướng về phía Nam” để thể hiện ý chí “đánh cho Mỹ cút”.

LTS:
Vì sao đã mấy chục năm qua khát khao có một đô thị văn minh hiện đại vẫn còn là giấc mơ xa vời? Là do chúng ta chưa biết làm quy hoạch; là hệ quả của lối tư duy ấu trĩ đâu đó vẫn dai dẳng….? Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp phần hai bài viết thể hiện góc nhìn riêng của KTS Nguyễn Trọng Huấn.

Nhu cầu cuộc sống sinh ra ngành quy hoạch đô thị. Nếu kiến trúc sư công trình sắp xếp không gian cư trú cho một gia đình lớn khoảng trong ngoài chục người thì quy hoạch sư làm việc đó cho trong ngoài chục vạn, có khi đến cả chục triệu người như Hà Nội mở rộng hoặc thành phố Hồ Chí Minh tương lai.

Suốt chín năm kháng chiến, chúng ta rút ra khỏi các thành phố, xây dựng căn cứ ở vùng rừng núi vì vậy sự tác động đối với hệ thống đô thị không đáng kể. Sau ngày 10/10/1954, Thủ đô gần như nguyên vẹn. Hà Nội và các đô thị khởi đầu cuộc sống mới, quy hoạch xây dựng lại trên nền tảng những thành phố thuộc địa lâu đời theo phong cách châu Âu do người Pháp quy hoạch và xây dựng.

Chúng ta mất 3 năm để tập hợp lực lượng (1954 – 1956).

Khoảng 14 kiến trúc sư thiết kế công trình dân dụng, tất cả đều xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương – có khuynh hướng thiên về sáng tác nghệ thuật hơn là nghiên cứu sản phẩm – tề tựu về Nha Kiến trúc trong Bộ Thủy lợi và Kiến trúc. Không có một kiến trúc sư quy hoạch nào. Quy hoạch đô thị là khái niệm mà ngay cả những ông thầy cũng phải bắt đầu từ chữ A.

1956 – Thành lập Phòng Đô thị.

1957 – Đại hội Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ II. Lúc này, vì cần tập hợp lực lượng, mời cả những người không phải là kiến trúc sư nhưng có quan tâm đến sự nghiệp kiến trúc tham gia. Số lượng đoàn viên lên đến 100 người. Đây là bước khởi đầu cho quá trình mãi về sau, có tý chức, tý quyền trong ngành xây dựng là có thể tham gia hội này một cách tự nhiên, một cách thẩm thấu làm biến dạng môi trường kiến trúc dẫn đến những nhận thức thiếu chuẩn mực về đặc thù nghề nghiệp của ngành này.

Ảnh tư liệu

1958 – Bộ Kiến trúc tách khỏi Bộ Thủy lợi và Kiến trúc. Thành lập Cục Đô thị và Nông thôn, với 23 cán bộ các loại, trong đó có 04 kiến trúc sư cũng từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Chuẩn bị cho miền Bắc bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển kinh tế, xây dựng công nghiệp và đô thị, Nhà nước mời các đoàn chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và Ba Lan sang giúp nghiên cứu quy hoạch Hà nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì. Rất nhiều cán bộ tay ngang, do yêu cầu, được điều động về, chung lưng gánh vác trọng trách. Vừa làm vừa học.

1961 – Thành lập Viện Thiết kế Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Phương châm ngành là: “Quy hoạch phục vụ công nghiệp, phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của đông đảo nhân dân lao động kết hợp với yêu cầu quốc phòng”.

Nhận thức luận, hệ thống lý thuyết quy hoạch và mô hình đô thị Xô viết lần đầu tiên được truyền bá vào Việt Nam.

Cũng trong năm 1961, miền Bắc mở lớp đào tạo kiến trúc sư, giảng dạy theo giáo trình kiến trúc Xô viết, dịch từ sách Nga, nhưng tinh thần, khuynh hướng dường như vẫn chịu ảnh hưởng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Kỹ năng vẽ (chưa hẳn đã là năng khiếu thẩm mỹ) được coi là một ưu tiên. Sinh viên trúng tuyển phần đông là học sinh các trường phổ thông. Những sinh viên vẽ kém, cán bộ, đảng viên được cử đi học, phần lớn bố trí theo ngành quy hoạch. Những đảng viên này, nhiều vị xuất thân cán bộ xã đi tập kết, giỏi “đấu tranh giai cấp” nhưng tiếp thu kém. Nhiều vị đi học nhưng ghế bàn đã dọn, chờ sẵn ở cơ quan, nên chỉ học làm phép, thầy cũng phải ngán, chấm tốt nghiệp cho rồi. Quy ước bất thành văn này dẫn đến nhiều khập khiễng trong bố trí lực lượng sau này. “Dốt chuyên tu – Ngu quy hoạch” từng là khẩu ngữ quen thuộc trong môi trường đào tạo kiến trúc sư những năm đầu ở nước ta.

Thực trạng trên phản ánh hai góc tiếp cận:

“Khuynh hướng”, nếu được phép tạm gọi như vậy, từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương coi kiến trúc là nghệ thuật, một hoạt động thuộc lĩnh vực sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân tác giả, thì “khuynh hướng Xô viết”, coi kiến trúc là một bộ phận cấu thành của nền công nghiệp xây dựng. Kiến trúc là công đoạn khởi đầu, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của tập thể để nâng cao chất lượng. Mà đã là sản phẩm công nghiệp, có thể sản xuất hàng loạt thì ai học mà chả làm được.

Kiến trúc được xếp vào khung lương ngành công nghiệp nặng. Kiến trúc sư được coi là cán bộ thiết kế, cùng thang và hệ số lương với kỹ sư cơ khí, kỹ sư giao thông, kỹ sư san nền, cấp thoát nước… Không có chuyện kiến trúc sư ghi tên dưới chân công trình. Sản phẩm là của tập thể, đồ án xuất xưởng thuộc viện nọ, viện kia, chất lượng thuộc trách nhiệm cơ quan này, cơ quan khác, chuyện của lãnh đạo. Kiến trúc sư chỉ ký tên mình trong bảng lương lĩnh tiền.

Quy hoạch và kiến trúc đặt dưới sự quản lý của một bộ lấy chức năng sản xuất làm nhiệm vụ chính trị trung tâm. Làm ra xi măng, sản xuất gạch ngói, xây khu công nghiệp… tăng năng suất, tăng sản lượng mới là chuyện cần bàn, cần tập trung để hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá. Công trình kiến trúc bé tý, không thể đòi được đối xử đồng hạng với ngàn tấn xi măng, với sản lượng gạch tính bằng triệu viên. Phương châm thiết kế được minh định là: “Tiện dụng – Bền vững – Mỹ quan trong điều kiện có thể”.

Riêng quy hoạch là một lĩnh vực nhạy cảm, tiếp cận hàng ngày với những tư liệu, tài liệu được cho là mật, những chủ trương, kế hoạch quan trọng của địa phương, của quốc gia, thường xuyên phải tiếp xúc với lãnh đạo, ít nhất là Thường vụ tỉnh ủy. Thỉnh thoảng lãnh đạo Đảng hoặc Nhà nước gọi báo cáo. Trước cuộc họp có an ninh, bảo vệ đến rà mìn nên nhân sự cần được quản lý chặt. Mà như đã trình bày ở trên, bộ khung nhân sự cho quản lý được chọn từ trong trường, vững vàng về quan điểm lập trường nhưng học lực có hơi yếu. Đã có sinh viên xin: “Thầy cho em đỗ đi. Đảm bảo với thầy ra trường em không làm kiến trúc đâu, thầy yên tâm, em chỉ làm lãnh đạo”. Chuyện thật như đùa, không biết nên khóc hay cười, nhưng khi kể lại, sống mũi thấy hơi cay cay!

Ảnh : cafeF

Trong hoàn cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, một đồng, một cắc đầu tư vào xây dựng cơ bản cũng phải quý, nhưng cũng không thể phủ nhận quan niệm và cách thức quản lý này không để lại những hệ lụy về sau. Đặc biệt, quy hoạch là một hình thức lao động đám đông, Hội đồng khoa học hay “bộ tứ” cơ quan, gồm nhiều ông, bà chẳng cần biết quy hoạch là gì, có thể làm sụp đổ ý tưởng mà kiến trúc sư thai nghén, ấp ủ nhiều năm, biến đồ án thành thành quả chung của mọi người. Quan điểm của tổ chức và cung cách quản lý một thời vừa coi quy hoạch là chuyện hệ trọng, vừa là chuyện xa vời, 25 năm sau, vẽ thế nào chẳng được, vẽ xong, xoá đi, vẽ lại mấy hồi, có xây đâu mà lo, đã biến quy hoạch thành một chuyện hài hước, thiếu nghiêm túc.

Khoảng năm 1972- 1973, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn họp hội nghị xin ý kiến các ngành về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đại biểu Hội Mỹ thuật đã hăng hái đề nghị ta nên vẽ “một Hà Nội hình nắm đấm, hướng về phía Nam “để thể hiện ý chí” đánh cho Mỹ cút”.

Không ít nơi, thậm chí nhiều thời kỳ, trong các cơ quan thiết kế kiến trúc, quy hoạch, kiến trúc sư có chút máu nghệ sỹ là một cái tội, như con vịt con xấu xí lạc giữa bầy thiên nga, khó lòng cải tạo!

10 đời viện trưởng có 5 đời là cán bộ chính trị

Ở nước ta, cho đến tận bây giờ, quy hoạch là một loại công trình không có tác giả, không ai phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, thậm chí, những sai lầm khiếm khuyết của đồ án. Nếu cần xoá đi, làm lại đã có sẵn một mỹ từ: “Điều chỉnh quy hoạch”.

Cách hiểu như trên đã để lại khá nhiều dấu ấn trong bộ máy tổ chức ngành. Ông nào cũng có thể làm lãnh đạo quy hoạch được. Từng có ông phó tiến sỹ vật liệu xây dựng làm Hiệu trưởng một trường đại học kiến trúc ở phía Bắc, trong khi một ông kỹ sư kết cấu làm hiệu trưởng một trường đại học kiến trúc ở phía Nam! Còn các ông phó tiến sỹ cấp thoát nước, phó tiến sỹ san nền tiêu thủy, thậm chí có những ông chẳng cần một mảnh bằng nào cả cũng có thể làm được viện trưởng một viện quy hoạch.

Riết rồi quen, ai lãnh đạo quy hoạch cũng được, thành ra tự nhiên, chuyện hàng ngày ở huyện. Sau ngày thống nhất đất nước, đã có ông, trong một năm rải quân đi địa phương, làm xong 145 quy hoạch thị trấn huyện lỵ! Mấy ông này, mất tích ngay sau khi về hưu, thỉnh thoảng xuất hiện ở cuộc họp hưu trí cuối năm, nói cười rổn rảng.

Suy cho cùng, cũng không phải lỗi của họ. Chính họ đã chứng minh được một điều mà ông bà chúng ta đã tổng kết từ lâu: “Thợ may ăn giẻ – thợ vẽ ăn hồ”. Mỗi người một nghề, ai làm việc nấy. Lỗi là tại cái nghề quy hoạch quá đa mang, chút kinh tế, chút kỹ thuật, chút nghệ thuật, giao thông đô thị, cấp điện, cấp nước, tiêu thủy san nền, cống rãnh, thoát nước, công viên cây xanh… đấy là chưa kể cần có thêm dự báo học, xã hội học đô thị… xét thấy cũng nên tham gia.

Tổng kết 50 năm thành lập Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn 1956 – 2006, trong 10 đời viện trưởng thì hết 5 đời là cán bộ chính trị, không hiểu biết gì về quy hoạch, hoặc nghề nghiệp không liên quan gì đến quy hoạch. Tổng thời gian “trị vì” của các vị này chiếm 21/50 năm. Năm viện trưởng còn lại, là kiến trúc sư quy hoạch giỏi, là những công chức mẫn cán, nhưng rất tiếc là năng lực chưa tương xứng với tầm nhiệm vụ được giao. Không thể trách họ vì dù sao họ cũng chỉ là người thừa hành. Nguyên nhân nằm ở những chỗ cao hơn, những người vạch đường đi nước bước cho đất nước, những người có quyền lực và trách nhiệm sắp xếp công việc và nhân sự.

Rà lại lịch sử phát triển ngành quy hoạch Việt Nam từ ngày thành lập, đọc lại danh sách, xem lại chân dung những nhân vật một thời, nhiều trường hợp không thể không cười ra nước mắt !

Không thể tính nổi những lãng phí vô cùng to lớn kéo dài nhiều thập kỷ qua do cách làm này. Và cũng không một ai phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy mà xã hội và đất nước phải gánh chịu về những tổn thất mà công tác quy hoạch đã gây ra.

Sự khác biệt quan điểm từng dẫn đến một cuộc tranh chấp không thể quên: “kiến trúc là nghệ thuật hay kỹ thuật?”. Và thuộc quyền quản lý của ai?

Thân phận của lớp kiến trúc sư đầu tiên của nước ta do bộ Kiến trúc mở năm 1961 đã có lúc trôi dạt, trở thành một khoa của trường Đại học Xây dựng do Bộ Đại học quản lý. Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một thời do văn phòng Bộ Kiến trúc quản lý cũng chịu thân phận của chú vịt con xấu xí khi lạc vào Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam! Ở đây người ta “sỹ” cả, sao các ông lại “sư”? Còn quy hoạch? Là thứ gì và lạc đến từ hành tinh nào vậy?

1962 – Thành lập Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Một thiết chế để quản lý công tác quy hoạch và cả thiết kế kiến trúc khởi đầu từ đây.

Ủy ban này cũng là một thân phận long đong. Chẳng phải do trình độ, năng lực giữa Ủy ban với Bộ Kiến trúc, mà là sự tranh chấp quyền lực giữa Bộ và Ủy ban. Ai quản lý ai? Đã có lúc Ủy ban này phải giải thể, sáp nhập vào Bộ Kiến trúc. Rồi lại tách ra, tái lập Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, khác nhau mỗi chữ kiến thiết đổi lại là xây dựng. Rồi lại giải thể, nhập vào Bộ Xây dựng. Tất cả động thái trên chỉ chứng minh một điều, nhận thức về một công cụ quản lý ngành xây dựng cơ bản cấp vĩ mô, trong đó có quản lý quy hoạch luôn ở trong tình trạng lúng túng, chưa bao giờ mạch lạc, rõ ràng cho đến nay. Mà xem ra hiện nay lại còn rối hơn trước nữa.

Quy hoạch một đường, cuộc sống một nẻo

Ảnh : dothi.net

Hoà bình trên miền Bắc kéo dài trong khoảng 10 năm, từ 1954 đến 1964. Trong mười năm đó, thực trạng kinh tế – xã hội trải qua những biến động chưa từng xảy ra trong đời sống đất nước. Công cuộc chuyển hoá nền kinh tế của một nước nông nghiệp, lạc hậu, một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, đang kiệt quệ vì vừa trải qua chiến tranh có rất nhiều việc cần làm và phải làm. Xã hội chưa định hình, tiền đề đô thị hoá để tiến hành quy hoạch chưa chín muồi. Mô hình đô thị Xô viết hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi thay đổi phương thức sống, tổ chức lại xã hội đô thị theo mô hình mới, áp lên một thực thể đô thị Việt Nam từng được sinh ra và hình thành từ những hoàn cảnh khác, nguyên nhân và điều kiện hoàn toàn khác, không thể không gây đổ vỡ.

Thiết kế quy hoạch lúc ấy, thực chất chỉ có tính hình thức, là những bài học trên giấy, trong văn phòng, chủ yếu nhằm đào tạo, xây dựng lực lượng, tập dượt cán bộ chuẩn bị cho tương lai. Quy hoạch một đường, cuộc sống một nẻo. Cũng may là giai đoạn này không xây dựng gì nhiều và các đồ án quy hoạch, sau khi báo cáo, trình bày, phần lớn đùng để gói được nhiều thứ.

Từ 1964 đến 1975, chiến tranh lan rộng, miền Bắc trở thành chiến trường, công cuộc xây dựng đô thị trên miền Bắc, thực chất đã tạm ngưng. Những đồ án quy hoạch được nghiên cứu trong giai đoạn này chỉ có giá trị những bài tập minh họa cho một số nguyên lý vừa được học. Không một đồ án quy hoạch cho bất cứ thành phố nào tiến hành trong giai đoạn này tồn tại như một giá trị nghiên cứu, chưa nói đến tác động của chúng lên đời sống xây dựng, vì thực tế nước ta trong thời kỳ đó không hoạt động xây dựng.

Những số liệu đáng lưu tâm

Trong 86 năm chiếm đóng, đô hộ, mãi năm 1925, tức là 66 năm sau (1859 - 1925), người Pháp mới mở khoa Kiến trúc, trong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, đào tạo kiến trúc sư cho người Việt, loại hình kiến trúc sư thực hành với phong cách nghệ sỹ, thiên về nghệ thuật sáng tạo.

Trong 20 năm từ 1925 đến 1945, trường đào tạo được 11 khoá với trên 50 kiến trúc sư, mỗi khoá từ 2 đến 5 người, tốt nghiệp ra trường, hành nghề tự do.

Cũng trong 20 năm đó, Trường đã cấp văn bằng tốt nghiệp cho 128 họa sỹ, sau này có những họa sỹ trở thành nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... Không có khoa Quy hoạch đô thị.

Cho đến 1945, nước ta có 50 kiến trúc sư công trình cho 25 triệu dân, đạt 0,002 kts/1.000 dân, nhưng không có một "nhà quy hoạch" nào.

Đấy là lý do tại sao sau 1954, công việc tái thiết miền Bắc bắt đầu, "quy hoạch" là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với một lực lượng chuyên ngành bằng 0.

Bài viết sử dụng tư liệu:
* Đào tạo kiến trúc sư 50 năm giữa thế kỷ XX – Đoàn Đức Thành – Kiến trúc Việt – 5/6/2008